Bảo vệ sức khỏe cá tra nuôi trong mùa mưa
Trong thời gian gần đây, hầu như tất cả các vùng nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đều đã xuất hiện những loại bệnh phổ biến như xuất huyết, bệnh gan-thận mủ, bệnh gạo, trắng mang, trắng gan đã gây tổn thất rất lớn cho nghề nuôi. Có những vùng nuôi tỷ lệ cá tra nhiễm bệnh gần như tới 100%. Nguyên nhân cá nhiễm bệnh thì có nhiều như do cá bị nhiễm khuẩn hoặc bị các loài ký sinh trùng giáp xác ký sinh và nấm gây hại; do chế độ dinh dưỡng cho cá không cân đối…. khi gặp chất lượng nước ao không tốt hoặc vùng nuôi bị ô nhiễm sẽ thuận lợi gây bệnh và lây lan thành dịch bệnh, đặc biệt là chất lượng cá tra giống đã và đang có xu hướng giảm rất nhiều so với trước đây do thoái hóa. Công tác phòng trị bệnh gặp nhiều khó khăn do người nuôi thả mật độ ương và nuôi quá cao nên bệnh thường xảy ra nhanh và lây lan trên diện rộng. Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất và hiệu quả kinh tế của người nuôi. Mùa mưa ở vùng ĐBSCL đã đến, đây là khoảng thời gian có biến động rất lớn về môi trường, nhất là chất lượng nước, là cơ hội/ tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh. Phòng và điều trị bệnh đúng cách sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả nuôi.
* Đối với những bệnh nhiễm khuẩn:
– Đối với bệnh gan, thận có mủ: tuyệt đối không dùng các loại kháng sinh trong danh mục cấm, nên dùng thuốc Florfenicol để trị với liều lượng 100 – 120g/ tấn thức ăn (tốt nhất nên theo chỉ định của nhà sản xuất). Sử dụng thuốc này từ 3-5 ngày sẽ cho hiệu quả tốt, cá sẽ hồi phục nhưng với điều kiện người nuôi phải duy trì khâu vệ sinh diệt mầm bệnh trong khu vực nuôi, quản lý chất lượng nước tốt và tăng cường dinh dưỡng tốt cho thủy sản nuôi.
– Bệnh vàng da, thường xuất hiện cao điểm vào mùa mưa và các tháng trời lạnh. Phòng bệnh: người nuôi nên cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp đảm bảo chất lượng và phải có hệ thống sục khí đáy ao thích hợp để bổ sung oxy và đẩy khí độc từ đáy ao lên. Việc quản lý môi trường nuôi tốt bằng cách thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, loại bỏ khí độc nitric (NO2) và amoniac (NH3) ở đáy ao thông qua việc sử dụng các chế phẩm sinh học sẽ hạn chế được bệnh vàng da trên cá.
– Ngoài bệnh gan, thận có mủ, bệnh vàng da… trong thời gian gần đây,các ao nuôi cá tra ở ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng đã xuất hiện phổ biến hiện tượng cá tra có những nang “gạo” lấm tấm trong cơ thể cá ở nhiều dạng khác nhau và được phát hiện khi mổ cá để quan sát nên gọi đây là bệnh “gạo”. Bệnh này tuy mới xuất hiện nhưng đã gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho người nuôi cá tra, khiến cho không ít người nuôi lo ngại và mất ăn mất ngủ vì chúng. Khi ao cá bị nhiễm bệnh nặng có thể lây lan rất nhanh, tuy tỉ lệ cá nhiễm bệnh chết không cao, nhưng cá bệnh sẽ kém ăn, làm giảm năng suất và chất lượng thịt, do đó các nhà máy chế biến thủy sản từ chối mua hoặc hạ phẩm cấp chất lượng cá để mua giá rất thấp.
+ Cách xử lý: mổ khám cá ngay khi nhận thấy có biểu hiện bất thường; khi phát hiện bệnh trong ao phải cách ly ao hoàn toàn, khử trùng toàn bộ dụng cụ nuôi và xử lý triệt để xác cá chết trong quá trình nuôi (vớt hết cá bệnh, cá chết khỏi ao xử lý bằng cách nấu chín hay chôn hủy, không vứt xác cá ra nguồn nước vì bào tử sẽ phóng thích và lây nhiễm sang các ao khác); tẩy cho toàn đàn bằng các hoạt chất có tác dụng trên nguyên sinh động vật gây bệnh như Toltrazuril hay các dẫn xuất của Benzimidazol, Mebendazole, Febendazol…
+ Vào những ngày trời mưa dầm, nhiệt độ giảm thì cần thiết giảm lượng cho ăn và cho cá ăn vào thời điểm nhiệt độ nước ao có sự cân bằng giữa tầng mặt và tầng đáy (lúc trời đứng bóng về chiều). Khi hút bùn đáy ao xong, cần xử lý nền đáy và xử lý cho nước ao trong trở lại mới cho ăn, bởi vì nếu cá phải sống và bắt mồi ở vùng có tích tụ nhiều chất thải và khí độc thì dễ xảy ra hiện tượng cá mất đi hứng thú bắt mồi. Bên cạnh đó, nếu cá bắt mồi trong vùng nước nhiễm bẩn, cũng sẽ tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh xâm nhập vào nội tạng
* Đối với bệnh do ký sinh trùng: vào giai đoạn này, nhiệt độ môi trường thường xuyên xuống thấp (nhất là những ngày mưa kéo dài) là yếu tố tạo điều kiện cho các dạng bệnh ký sinh trùng trên cá nuôi (đặc biệt là bệnh ngoại ký sinh) như: trùng bánh xe, trùng mỏ neo, trùng quả dưa… phát sinh. Với xu hướng hạn chế ô nhiễm môi trường do sử dụng các hoá chất độc hại, thì việc dùng muối ăn (NaCl) và vôi nông nghiệp (CaCO3) để phòng ngừa các bệnh này cho cá nuôi trong mùa mưa nên người nuôi được khuyên sử dụng. Nếu phát hiện cá có biểu hiện giảm ăn, nhào lộn dữ dội, trên da và mang có nhiều nhớt, chết với số lượng ít và tăng không đáng kể thì thực hiện treo vôi và muối liên tục trong 3 ngày. Đối với mô hình nuôi ao hầm thì mỗi ngày còn phải thay 10-15% thể tích nước trong ao.
– Ngoài ra, nên sử dụng thêm lá xoan, dây giác, cỏ mực… đập dập rồi bọc lại bằng lưới cước treo ở đầu bè hoặc ở chỗ cho ăn với liều lượng 5-10kg/mỗi lần treo sẽ nâng cao hiệu quả phòng ngừa các bệnh ngoại ký sinh trên cá trong mùa mưa lũ.
Mặc dù hiện nay chưa có thuốc đặc trị, nhưng dựa trên nguyên lý và cơ chế phát sinh bệnh thủy sản nói chung, người nuôi vẫn có thể giảm thiểu tác nhân gây bệnh và thiệt hại do hội chứng « trắng gan, trắng mang » gây ra và các bệnh nêu trên bằng các biện pháp tổng hợp sau đây:
1. Cải tạo môi trường nuôi:
– Tẩy dọn ao thật kỹ trước khi ương nuôi: nạo vét kỹ bùn dưới đáy ao, tu sửa lại bờ mương, dọn sạch cỏ rác, phơi đáy ao, sau đó dùng các loại hóa chất để tẩy dọn nhằm diệt địch hại và sinh vật là ký chủ trung gian, sinh vật cạnh tranh thức ăn của tôm cá như các loài cá dữ, cá tạp, giáp xác, côn trùng, nòng nọc, sinh vật đáy; diệt các sinh vật gây bệnh cho cá như : vi khuẩn, nấm, tảo đơn bào và các loại ký sinh trùng.
+ Dùng vôi để sát khuẩn: vôi sống, vôi bột hoặc vôi tôi, liều lượng: 10-15kg/100m2 định kỳ có thể rắc vôi 2 tuần/ lần :10-20g/m3 nước, treo túi vôi ở bè nuôi: 2-4kg/10m3 bè.
+ Dùng Clorua vôi (Ca(OCl )2) tẩy ao, sát trùng dụng cụ nuôi, liều lượng: 50ppm (50g/m3), ngâm dụng cụ qua đêm nồng độ: 200-220ppm.
2. Tiêu diệt nguồn gốc gây bệnh:
– Tiến hành kiểm dịch giống trước khi vận chuyển, dùng các biện pháp xử lý để tránh mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác .
– Sát trùng cơ thể cá: mặc dù ao đã tẩy dọn kỹ, nhưng cá giống có thể mang mầm bệnh vào ao hồ, nên sau khi kiểm dịch, tùy theo kết quả mà chọn:
+ Tắm cá: CuSO4 5H2O (phèn xanh) 2-5ppm/ 5-15 phút; Muối ăn NaCl 3-5%/ 3-5 phút; Formalin 200-300 ppm/ 15-20 phút
+ Phun xuống ao 1 trong các loại hóa chất trên , nồng độ giảm đi 10 lần.
– Sát trùng nơi cá đến ăn: nơi cho cá ăn thường chứa thức ăn bị thừa, thối rửa gây nhiễm bẩn tạo điều kiện cho sinh vật gây bệnh phát triển. Do đó, nên vớt bỏ thức ăn thừa, rửa sạch sàng ăn, thường xuyên khử trùng địa điểm cho ăn. Loại thuốc, liều dùng tùy thuộc vào chất nước, nhiệt độ và mực nước trong ao. Tốt nhất dùng vôi nung hoặc clorua vôi treo 2-3 túi xung quanh chỗ ăn để tẩy trùng. Liều lượng: 2-4kg/túi vôi nung, 100-200g/ túi Clorua vôi.
– Sát trùng dụng cụ: dùng dung dịch Ca(OCl)2 – 200ppm để ngâm ít nhất 1 giờ và rửa sạch mới dùng. Nên dùng dụng cụ riêng biệt từng ao, nếu thiếu sau khi sử dụng phải có biện pháp khử trùng trước khi dùng cho ao khác.
– Dùng thuốc phòng ngừa trước mùa phát triển bệnh: sử dụng các loại sản phẩm có tác động đến sự phục hồi hoạt động của thận, tỳ tạng, gan, gia tăng mật số huyết sắc tố trong máu để đảm bảo chức năng vận chuyển và trao đổi oxy.
3. Tăng sức đề kháng của cơ thể động vật thủy sản nuôi:
– Nên mua con giống để ương và nuôi có nguồn gốc bố mẹ rõ ràng, tốt nhất là nên sử dụng con giống đã được chọn lọc có chất lượng cao ở các Trung tâm giống thủy sản và các cơ sở ương có uy tín.
– Định kỳ bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, nhất là vào thời điểm giao mùa.
4. Cải tiến kỹ thuật ương nuôi:
– Không nên ương, nuôi mật độ quá dày: mật độ ương từ cá bột lên cá hương từ 300 – 400 con/m2; cá hương lên cá giống từ 100 – 150 con/m2, mật độ nuôi thương phẩm từ 25 – 30 con/m2
– Cho cá ăn đảm bảo chất và số lượng theo giai đoạn phát triển, lúc cá có dấu hiệu bệnh nên giảm lượng thức ăn;
– Quản lý chất lượng nước trong ao ương và nuôi thật tốt, tránh để xảy ra hiện tượng các yếu tố thủy lý hóa biến động lớn và ao nhiễm bẩn trong quá trình sản xuất;
– Sử dụng hóa chất và kháng sinh phải tuân thủ theo qui định, sử dụng kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn phải đúng theo hướng dẫn của chuyên môn kỹ thuật, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm có chứa hoạt chất Trifluralin trong quá trình nuôi với bất kỳ mục đích sử dụng nào; Định kỳ 10 -15 ngày sử dụng muối và vôi để sát khuẩn cho cá.
Ngoài ra, việc tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học và các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược để cải thiện chất lượng nước, nâng cao sức đề kháng vật nuôi, gia tăng sự chuyển hóa hấp thu thức ăn của vật nuôi sẽ góp phần giảm thiểu dịch bệnh, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đây cũng chính là xu hướng sử dụng sản phẩm thủy sản của các thị trường nhập khẩu cá tra hiện nay mà người nuôi cần đặc biệt quan tâm.
Th.s Phạm Thị Thu Hồng – CHI CỤC THỦY SẢN Vĩnh Long >>Tham khảo: Một số sản phẩm xử lý nước và các men vi sinh giúp cho tôm phát triển